Bóng rổ hiện đang là môn thể thao được nhiều bạn trẻ yêu thích bởi sự phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần mà bộ môn này đem lại. Bên cạnh những lợi ích tuyệt vời đó, đã bao giờ bạn tự đặt cho mình câu hỏi ‘Bóng rổ là gì?’ hay từng tò mò rằng bóng rổ đã được ra đời như thế nào hay không.
Trong bài viết này, Trung tâm Thể Thao Tuổi Trẻ sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi trên, đồng thời chúng tôi cũng bật mí thêm cho bạn một vài điều thú vị xoay quanh bộ môn này.
Bóng rổ là gì?
Bóng rổ là bộ môn thể thao đối kháng giữa hai đội và nhiệm vụ chính của các đội chơi là cố gắng phối hợp thực hiện với nhau để đưa bóng vào cầu môn đối phương mà không vi phạm luật. Đội chiến thắng là đội ghi được nhiều bàn thắng nhất vào rổ của đối thủ.
Hiện nay, bóng rổ đã có ‘tuổi đời’ hơn 130 năm và được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. Các giải đấu chuyên nghiệp liên tục được ra đời, những đội bóng cả nam và nữ từ nhiều độ tuổi khác nhau được thành lập đã chứng tỏ sức hấp dẫn mà bộ môn này đem lại.
Lịch sử hình thành và phát triển của bóng rổ
Bên cạnh câu hỏi ‘Bóng rổ là gì?’ thì lịch sử ra đời của bộ môn này cũng khiến nhiều người tò mò và quan tâm. Cũng giống như các môn thể thao được nhiều người biết đến khác, bóng rổ cũng có câu chuyện thú vị riêng của chính nó:
Thuở sơ khai
Ra đời vào tháng 12 năm 1891 tại Hoa Kỳ, bóng rổ ban đầu là môn thể thao được chơi trong nhà. Tiến sĩ James Naismith – cha đẻ của bộ môn bóng rổ đã luôn suy nghĩ về việc cho học sinh duy trì thói quen rèn luyện thể chất bất kể khi trời mưa hay giá rét.
Sau khi từ chối vô số ý tưởng không phù hợp, ông đã tự bắt tay vào viết ra các quy tắc cơ bản nhất của bóng rổ. Naismith đã treo một chiếc giỏ lên xà ngang cao khoảng 3m trong phòng thể chất, và nhiệm vụ của người tham gia chỉ hoặc là chuyền bóng cho đồng đội, hoặc là cố gắng ghi điểm vào chiếc giỏi đó.
Thuở sơ khai ấy, bóng rổ chỉ là bộ môn được tận dụng từ những thứ sẵn có: rổ là chiếc giỏ đựng đồ và các cầu thủ thi đấu bằng một quả bóng đá. Dần dần, chúng được thay thế, phát triển thêm thông qua việc góp ý, rút kinh nghiệm từ các trận đấu.
Những chiếc giỏ ban đầu vẫn còn nguyên phần đáy đã được tháo ra do sự bất tiện mỗi khi phải lấy bóng khỏi rổ sau khi ghi điểm. Cho đến năm 1906, chiếc giỏ ấy hoàn toàn bị thay thế bằng chất liệu kim loại nhằm tăng độ bền của rổ bóng.
Về phần bóng thi đấu, trong giai đoạn đầu, bóng đá được tận dụng trong trò chơi này. Rồi người chơi cũng dần sáng tạo ra một loại bóng phục vụ riêng cho bộ môn. Quả bóng rổ sơ khai là sự kết hợp giữa bóng đá và bóng bầu dục, được thiết kế với phần dây buộc để chèn lỗ bơm hơi của quả bóng. Nhưng phần bổ sung này chỉ phù hợp với bộ môn cần cầm nắm nhiều như bóng bầu dục, còn đối với bóng rổ lại đòi hỏi người chơi phải tạo ra những đường chuyền nảy và rê bóng linh hoạt. Chính vì vậy, một phương pháp chế tạo bóng không có phần dây buộc đã được ra đời và duy trì cho đến tận ngày nay.
Bên cạnh rổ bóng và quả bóng được nghiên cứu và phát triển, bảng rổ cũng là một trong những bộ phận được bổ sung. Do có nhiều trường hợp ‘gian lận’ đến từ các khán giả theo dõi (can thiệp vào đường bóng, cản trở việc ghi điểm,…), nên bảng rổ đã được thêm vào để ngăn chặn điều đó và đem đến sự công bằng cho các đội chơi.
Tên gọi của bộ môn ban đầu cũng được gợi ý theo tên của người sáng tạo ra nó, song chính cha đẻ lại từ chối cái tên này. James Naismith đã đưa ra một cái tên đơn giản đúng như ý tưởng ban đầu của ông khi viết ra trò chơi này: Bóng – Rổ.
Mở rộng cánh cửa đến các trường đại học
Khởi đầu từ trường Đại học Springfield, các sinh viên trong trường đã ‘quảng bá’ bộ môn bóng rổ vang danh khắp nước Mỹ. Nhiều trận thi đấu được diễn ra giữa các trường Đại học, đến năm 1901, các trường Đại học như: Đại học Chicago, Đại học Columbia, Đại học Cornell, Đại học Yale,… đã bắt đầu tài trợ cho các giải đấu.
Lan toả xuống cấp trung học
Sức hút của bộ môn bóng rổ được lan rộng đến cả các trường trung học. Mặc dù hầu hết các trường trung học trên khắp nước Mỹ đều có diện tích ‘khiêm tốn’ hơn, song bằng sự yên mến và đồng lòng mà bóng rổ đã trở thành bộ môn thể thao liên trường.
Do những yêu cầu về trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực, các trường trung học đã hợp sức để đưa bóng rổ đến gần hơn với học sinh. Cho đến nay, các giải bóng rổ liên trường tại Mỹ vẫn luôn thu hút đến hơn 1 triệu học sinh cả nam và nữ tham gia hàng năm.
Từ khu vực vươn tầm ra thế giới
Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, có hàng trăm đội bóng rổ đã được thành lập, hàng ngàn giải đấu lớn nhỏ khác nhau đã khẳng định phần nào vị thế của bộ môn này với đại chúng. Trong đó phải kể đến giải bóng rổ chuyên nghiệp NBA của nước Mỹ được nổi tiếng và lan rộng trên toàn thế giới.
Năm 1932, Liên đoàn bóng rổ quốc tế (FIBA) được thành lập nhằm lập lại trật tự và đưa bộ môn này trở thành môn thể thao chuyên nghiệp. Các quy định chung được đặt ra dành cho các giải đấu lớn nhỏ trên thế giới. FIBA cũng góp phần đưa bóng rổ trở thành môn thể thao thi đấu chính thức trong Thế vận hội Olympic cho cả nội dung dành cho nam và nữ.
Xoá nhoà khoảng cách giới
Vào mùa thu năm 1892, một người bạn của Tiến sĩ James Naismith, bà Senda Berenson đã thông qua ông để tìm hiểu về trò chơi này. Sau đó vì bị thu hút bởi bộ môn mới lạ mà bà đã đưa vào giảng dạy cho sinh viên trong trường đồng thời cũng đặt ra các quy tắc riêng với bóng rổ dành cho phụ nữ.
Môn bóng rổ nữ ngày càng phát triển và lớn mạnh hơn. Cho đến năm 1997, Hiệp hội bóng rổ nữ Hoa Kỳ (WNBA) được thành lập, các giải đấu bóng rổ nữ chuyên nghiệp cũng được tổ chức và thu hút lượng người theo dõi nhất định.
Hình thức thi đấu và quy tắc chung
Qua phần đầu của bài viết, ta đã tìm được đáp án cho câu hỏi ‘Bóng rổ là gì?’ cũng như tìm hiểu về quá trình phát triển của bộ môn này. Ở phần này, chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin về hình thức và các quy tắc được đặt ra dành cho môn bóng rổ một cách ngắn gọn, chính xác nhất.
Về hình thức thi đấu
Trên thế giới hiện nay có 2 hình thức thi đấu bóng rổ phổ biến: Bóng rổ 3×3 và Bóng rổ 5×5. Cả 2 hình thức này đều được áp dụng trong thi đấu chuyên nghiệp, mỗi hình thức lại có những yêu cầu riêng được đặt ra.
Quy tắc bóng rổ 3×3
Về lý do hình thành, bóng rổ 3×3 được sáng tạo ra để nhằm phục vụ người chơi đam mê với bóng rổ nhưng lại hạn chế về số người tham dự. Các quy tắc chung đối với bóng rổ 3×3 gồm:
- Kích thước sân: Rộng khoảng 15m, Dài tầm 11m với chỉ 1 cột bóng rổ (Có thể sử dụng nửa phần sân bóng rổ 5×5 để thi đấu).
- Bóng thi đấu: Có đường kính tương đương bóng rổ 5×5 size 6 và khối lượng nặng bằng bóng rổ tiêu chuẩn size 7.
- Thể thức thi đấu: Mỗi đội có 4 vận động viên (3 cầu thủ tham gia thi đấu, 1 cầu thủ dự bị).
- Thời gian thi đấu: Sẽ có 10 phút thi đấu giữa các đội, tuy nhiên có thể kết thúc sớm nếu có đội giành được ≥ 21 điểm. Trường hợp bằng điểm sẽ tiến hành thi đấu hiệp phụ và đội nào có 2 điểm trước sẽ thắng.
Để tìm hiểu kỹ hơn, vui lòng thảo khảo bài viết ‘Bóng rổ 3×3 là gì? Những điều cần biết về luật bóng rổ 3×3’
Quy tắc bóng rổ 5×5
Về quy tắc bóng rổ 5×5 có nhiều điểm khác biệt so với bóng rổ 3×3, cụ thể:
- Kích thước sân: Chiều rộng dài 28m và chiều dài sân là 15m.
- Bóng thi đấu: Bóng thi đấu tiêu chuẩn là cỡ 7 (chu vi 75cm; trọng lượng khoảng 620g).
- Thể thức thi đấu: Mỗi đội tối đa 12 vận động viên và chỉ 5 cầu thủ được phép vào sân thi đấu.
- Thời gian thi đấu: Một trận đấu bóng rổ gồm 4 hiệp chính, mỗi hiệp kéo dài 10-12 phút. Trường hợp hết thời gian mà 2 đội bằng điểm nhau sẽ được tính là hoà và tiến hành thi đấu hiệp phụ. Mỗi hiệp phụ kéo dài 5 phút. Thời gian nghỉ giữa các hiệp là 2 phút, giữa trận là 15 phút.
Cụ thể từng quy định đã được chúng tôi liệt kê trong bài viết ‘Tìm hiểu về luật bóng rổ từ A đến Z chỉ trong 5 phút’. Hy vọng bạn có thể dành chút thời gian quý báo để tìm hiểu kỹ hơn.
Các vị trí trên sân thi đấu
Mặc dù xuyên suốt quá trình lịch sử hình thành của bộ môn bóng rổ không có quy định cụ thể nào về các vị trí trên sân. Tuy nhiên các vận động viên và huấn luyện viên đã phát triển điều đó như một phần của bóng rổ. Trên sân thi đấu bao gồm 5 vị trí, tương ứng với 5 cầu thủ tham gia.
- Trung phong (Centre): Với lợi thế về chiều cao, Trung phong là vị trí ghi điểm hoặc phòng thủ cho đội ở gần rổ.
- Hậu vệ dẫn bóng (Point Guard): Có tốc độ nhanh nhất trong đội, đây là vị trí tổ chức những pha tấn công, kiểm soát bóng cho đội.
- Hậu vệ ghi điểm (Shooting Guard): Thường được biết đến bằng những pha tấn công hoặc đường chuyền nhanh, với khả năng ghi điểm từ xa.
- Tiền vệ chính (Power Forward): Hỗ trợ trung phong khi tấn công hoặc phòng thủ, được tiền vệ phụ hỗ trợ trong việc dẫn bóng và ghi điểm.
- Tiền vệ phụ (Small Forward): Đây là vị trí đa năng trong đội khi sở hữu toàn bộ các kỹ năng từ những vị trí còn lại trên sân.
Ngoài 5 vị trí chính kể trên, nhiều vị trí khác đã được các đội bóng nghiên cứu, sáng tạo và đưa vào thử nghiệm tuỳ theo từng chiến thuật riêng mà chúng tôi không thể kể hết được trong một bài viết.
Các thuật ngữ trong bóng rổ
Là một người yêu mến bộ môn này, chắc hẳn khi đọc đến đây bạn sẽ không thể bỏ qua. Việc sử dụng các thuật ngữ trong bóng rổ giúp người hâm mộ dễ dàng giao tiếp, bàn luận về các tình huống xảy ra trong trận đấu.
Dưới đây là bảng tổng hợp các thuật ngữ thường được sử dụng trong các trận thi đấu bóng rổ chuyên nghiệp:
Thuật ngữ | Ý nghĩa | Thuật ngữ | Ý nghĩa | Thuật ngữ | Ý nghĩa |
block | chặn bóng, phòng thủ | steal | cướp bóng từ tay đối phương | dunk/slam dunk | úp rổ |
men-to-men defense | phòng thủ 1 kèm 1 | rebound | bắt bóng bật bảng | lay-up | 2 bước lên rổ |
box one defense | 1 kèm 1 kết hợp phòng thủ khu vực | 3-pointer | người chuyên ném 3 điểm | jump shot | ném rổ |
zone defense | phòng thủ khu vực | turnover | mất bóng | fade away | ném ngửa người về sau |
triangle defense | phòng thủ hình tam giác | one-point game | trận đấu chỉ chênh 1 điểm | hook shot | giơ cao 1 tay ném bóng |
double-team | 2 đồng đội kèm đối thủ giữ bóng | 3 point from the corner | ném 3 điểm ngoài góc | tip in | đẩy bóng bật bảng vào rổ |
box out | ngăn cản đối phương đến gần rổ | foul | phạm lỗi | break ankle | kỹ thuật bẻ mắt cá chân |
half-court shot | ném bóng từ giữa sân | time out | hội ý | dribble | dẫn bóng |
full-court shot | ném bóng từ sân mình sang sân đối phương | pick and roll | 2 cầu thủ tấn công cùng phối hợp | alley-oops | nhảy lên bắt bóng và đưa bóng thẳng vào rổ |
Kết luận: Bóng rổ là gì?
Thông qua nội dụng bài viết, chúng tôi đã trả lời câu hỏi ‘Bóng rổ là gì?’, đồng thời cũng cung cấp cho bạn đọc các thông tin ‘bên lề’ thú vị khác xoay quanh bộ môn này.
Hy vọng bài viết này, Trung tâm Thể Thao Tuổi Trẻ đã giúp bạn phần nào thêm hiểu và thêm yêu bộ môn bóng rổ.